Xuất siêu trở lại; tốc độ sụt giảm xuất khẩu đã cải thiện; một số dự án xuất khẩu lớn được triển khai… là những tín hiệu vui cho tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng cuối năm.
Xuất siêu trở lại
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 9, tốc độ sụt giảm kim ngạch xuất nhập khẩu đã được cải thiện hơn nhiều. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tháng 9 đạt hơn 53 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt hơn 27 tỷ USD, giảm nhẹ 0,7% so với tháng 8/2021 (tháng 8 giảm 2,3% so với tháng 7/2021); nhập khẩu đạt 26,67 tỷ USD, giảm 2,5% (tháng 8 giảm 6,1% so với tháng 7).
Đáng chú ý, trong nửa cuối tháng 9/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 29,07 tỷ USD, tăng đến 17,9% (tương ứng tăng 4,42 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu tăng tới 33,7% (tương ứng tăng 3,9 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 9/2021, đạt gần 15,47 tỷ USD. Đây là dấu hiệu khá lạc quan cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu đã có chiều hướng tăng trưởng sau nhiều tháng khó khăn do các phương án phòng, chống dịch. Nửa cuối tháng 9, xuất siêu đã trở lại với con số 1,87 tỷ USD.
Điểm sáng trong tình hình xuất khẩu tháng 9 còn ở việc kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh đã có sự phục hồi bước đầu với kim ngạch đạt 3,363 tỷ USD, tăng tới 33% so với tháng 8, tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 800 triệu USD.
Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho hoạt động xuất nhập khẩu bởi TP. Hồ Chí Minh không chỉ là địa bàn tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp có hoạt động sản xuất, xuất khẩu, mà với vai trò là cảng biển lớn nhất nước ta và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, nên việc thành phố kịp thời có các giải pháp tạo thuận lợi sẽ giúp doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố miền Nam thêm rộng cửa trong nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, máy móc, thiết bị… phục vụ sản xuất, cũng như xuất khẩu hàng hóa cho mùa tiêu dùng cuối năm.
Lấy đà tăng trưởng cuối năm
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý III tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin, Bộ Công Thương đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các FTA; tạo điều kiện về cải cách hành chính… để nâng kim ngạch xuất khẩu. Năm nay, Chính phủ giao tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4 – 5% nhưng Bộ Công Thương dự báo khả năng kim ngạch xuất khẩu có thể tăng trên 10%.
Mục tiêu này là có cơ sở khi một số dự án xuất khẩu lớn đã được triển khai mới đây. Đơn cử, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Ninh Bình đã được tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Ninh Bình lên 4,65 tỷ USD, trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất TP. Ninh Bình. Với số vốn đầu tư tăng thêm, công ty sẽ tăng sản lượng màn hình OLED nhựa từ 9,6 – 10 triệu sản phẩm/tháng lên 13 – 14 triệu sản phẩm/tháng. Dự kiến, doanh thu xuất khẩu tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm. Con số này sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động ngoại thương của nước ta.
Về cán cân thương mại, Bộ Công Thương dự báo, nếu không có biến động lớn về kiểm soát dịch bệnh, 3 tháng cuối năm là thời điểm doanh nghiệp các địa phương phía Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng. Cho nên kết thúc cả năm 2021, nhiều khả năng cán cân thương mại sẽ ở mức cân bằng. Thậm chí, nếu tình hình thuận lợi hơn, năm 2021, cả nước có thể xuất siêu.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước 9 tháng đầu năm đạt 484 tỷ USD, tương đương gần 54 tỷ USD/tháng. Dự báo, kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm có thể vượt 600 tỷ USD. |